Đặc sản Nam Giang Quảng Nam

http://dacsannamgiang.vn


Bàn tay người thợ Dệt thổ cẩm Cơtu Zơ Râm Tươi

Thổ cẩm truyền thống của người Cơtu thôn Zơ Ra, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang đến với Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam qua 20 năm tái lập tỉnh (1/1/1997 – 1/1/2017), bằng gian hàng giới thiệu sản phẩm thổ cẩm truyền thống và có một phụ nữ Cơtu luôn ngồi bên khung dệt, tự tay tạo nên những hoa văn cườm độc đáo trên tấm thổ cẩm màu chàm, luôn cuốn hút người xem và ai ai cũng trầm trồ khen ngợi…


Quầy hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm dệt của làng dệt Zơ Ra, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang(Quảng Nam) đến với Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam qua 20 năm tái lập tỉnh

 

Với hai bàn tay thoăn thoắt đẩy lên đẩy xuống chiếc khung dệt gồm 9 thanh tre dài và 2 thanh gỗ, chị Zơ Râm Tươi (48 tuổi) biểu diễn cho chúng tôi xem nghệ thuật dệt thổ cẩm của người Cơtu. Để câu chuyện thổ cẩm được sống động, chúng tôi bắt chuyện và được chị Tươi cho biết: Nghề dệt vải thổ cẩm người Cơtu ở Zơ Ra có từ lâu đời. Khi tôi biết cầm cái cuốc, biết lên rừng lấy củi đã thấy phụ nữ trong làng ngồi dệt rồi. Tôi học được kỹ thuật dệt vải truyền thống từ bà và mẹ, hai người dệt khéo nổi tiếng trong làng từ năm tôi mới 15 tuổi. Chính vì thế, nay tôi đã thành thạo các ngón nghề, để hôm nay có cơ hội ngồi dệt đã làm tôi yêu nét hoa văn tinh tế trên trang phục của dân tộc mình. Cũng theo chị Tươi thì nghề dệt thổ cẩm người Cơtu đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó từ việc nhuộm sợi, chiết suất màu, cách dàn cườm đến tạo ra sản phẩm thổ cẩm từ đơn giản đến phức tạp, cần đôi tay khéo léo và sự sáng tạo của người phụ nữ. Dệt thổ cẩm khó nhất là công đoạn tạo hoa văn cườm, có hoa văn cườm lá a tút, hàng rào, có hình hoa ablơm, lá atút hình chiếc chong chóng đến hoa văn cườm dáng hình đàn ông Cơtu múa tung tung và hoa văn cườm dáng hình phụ nữ Cơtu múa da dá, phải mất từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ mới tạo thành. Để dệt được một tấm váy dài, tấm khố đẹp, tùy hoa văn đơn giản hay phức tạp mất thời gian cả tháng mới xong. Đối với người Cơtu, nếu người con gái nào dệt được tấm váy dài(chrờ dhu), váy ngắn(âng ly), áo(a doót), khố(cha lon) đến tấm choàng(chơr guộc),…đẹp thì được dân làng đánh giá là người con gái giỏi giang và đây còn là thước đo giá trị tinh thần mà trước đây mỗi người con gái Cơtu phải tự phấn đấu.
 



Chị Zơrâm Tươi với quy trình dàn cườm tạo hoa văn trên nền vải thổ cẩm

Chúng tôi cảm nhận, đằng sau quầy hàng trưng bày giới thiệu hơn 20 loại sản phẩm dệt với đầy đủ hoa văn, màu sắc, đường nét, kích thước từ túi xách, khăn trải bàn, ví tiền, mũ, túi mang vai, ví đựng kính mắt, ba lô đến áo, váy, khố,…bằng vải thổ cẩm rực rỡ với những hạt cườm trắng lấp lánh, xen kẻ nằm trên nền chàm đen, nhưng vẫn nổi bật với ánh mắt đầy nghị lực của chị Tươi đã làm gian hàng nhỏ này luôn cuốn hút người xem và ai ai cũng trầm trồ ngợi khen, là một niềm đam mê cháy bỏng về nghề truyền thống của người Cơtu đã được bảo tồn và phát triển. Mặc dù thu nhập không nhiều, nhưng đó cũng là niềm vui của chị Tươi vì đã gìn giữ và phát huy được cái nghề của ông bà người Cơtu từ bao đời nay.

Có lẽ điều vui nhất đối với chị Tươi khi tham gia tại Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam qua 20 năm tái lập tỉnh chính là sự quan tâm, tìm hiểu của mọi người. Tại đây, đông đảo người dân đến xem đã làm cho chị rất vui và cũng là cơ hội để giới thiệu bản sắc văn hóa đặc trưng của người Cơtu đến với mọi người. Điều tôi vui nhất là có một số du khách đến hỏi cách dệt cũng như giá cả từng loại sản phẩm. Có người cũng đã xin số điện thoại của tôi để liên hệ đặt mua thổ cẩm. Chị Tươi bộc bạch.
 


Du khách tham quan quầy hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm dệt của làng dệt tại Triển lãm.

Theo chị Nguyễn Thị Kim Lan - Trưởng nhóm dệt thổ cẩm Za Ra cho biết: Tuy không phải là thợ lâu năm trong nghề dệt nhưng chị Zơ Râm Tươi lại được khá nhiều người dân địa phương biết đến bởi sự khéo léo và tài năng, thể hiện qua những tấm vải thổ cẩm truyền thống của người Cơtu bền đẹp mà chị còn dệt được cả những chiếc khăn quàng cổ, giỏ xách, khăn trải bàn với những đường hoa văn tinh tế, đẹp mắt. Không chỉ dệt để tăng thu nhập cho gia đình mà chị Tươi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các chị em khác trong làng về phương pháp, cách làm thế nào để dệt nên một chiếc váy đẹp, một chiếc khố, tấm choàng, áo a doót tinh tế, đầy màu sắc… Đặc biệt, chị Tươi luôn khuyến khích các cháu thanh thiếu niên ở trong làng học dệt, với mong muốn truyền dạy cho lớp trẻ hiểu và biết quý nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Mỗi khi trong làng có tổ chức thi dệt, chị đều tham gia và luôn đạt giải thưởng cao, cứ mỗi lần thi chị lại học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm trong nghề dệt và truyền niềm đam mê nghề cho các chị em khác.

Tiễn chúng tôi ra về, chị Tươi tâm sự: Bao nhiêu năm gắn bó với nghề và xem đó như một niềm đam mê. Học được nghề dệt, gìn giữ và phát triển được nghề truyền thống của dân tộc mình là vui lắm rồi, ưng cái bụng lắm rồi…Dù thu nhập không nhiều, nhưng đó cũng là niềm vui vì giữ và phát huy được cái nghề của ông bà. Có như vậy, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơtu mình mới được giữ gìn./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Sơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây