Ngược dòng sông Cái lên trung tâm hành chính bến Giằng, nơi 2 con sông Bến Mỹ, Sông Thanh, một trong một đục gặp nhau mà nghe chan chứa tâm sự trong lòng, có truyền thuyết kể rằng, trên đường xuôi Nam, Huyền Trân công chúa đến vùng thượng đạo Quảng Nam. Khi đến một bến sông nước trong vắt, xót cho phận mình, Huyền Trân công chúa nhỏ giọt nước mắt. Kỳ lạ thay, giọt nước mắt ấy lắng xuống đáy sông, kết tinh thành một viên ngọc màu đỏ, mỗi đêm ngọc nổi một lần, chiếu sáng cả dòng sông. Để rồi bến sông, nơi công chúa nhỏ giọt nước mắt ấy được gọi là bến Giằng, nay thuộc huyện vùng cao Nam Giang, huyện giáp giới với tỉnh bạn Lào.
Quả thật, đến Nam Giang, không chỉ nghe truyền thuyết về Bến Giằng, người ta còn có thể nghe nhiều câu chuyện lý thú và hấp dẫn. Đặc biệt, được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú và hùng vĩ của vùng cao Nam Giang, với khung cảnh hoang sơ, những khu rừng nguyên sinh, trùng trùng điệp điệp những ngọn núi cao chót vót, những vực thẳm sâu hun hút, những vách đá cheo leo, hiểm trở, không kém phần ngoạn mục như bức tranh kỳ vĩ làm say hồn du khách. Xuất phát từ Bến Giằng, theo con đường ngoằn ngoèo, như con rắn trườn dần lên vách núi. Nhiều đoạn vô cùng ngoạn mục: một bên đường dựa vào vách núi, khoét theo vách núi, bên kia là vực sâu thăm thẳm. Núi cao, vực sâu, những khu rừng nhấp nhô khi thì bên trái, khi sang bên phải, với các thảm thực vật đa sắc màu, góp phần tạo nên phong cảnh đẹp lạ lùng và cũng thật hiếm có của mảnh đất Nam Giang. Khi đã thấm mệt với cuộc hành trình, du khách có thể nghỉ lại một Gươi bất kỳ nào đó để thưởng thức Rượu Tà vạt, đây là thứ nước được lấy từ buồng của cây tà vạt, một loại cây có hình thức giống như cây dừa nhưng to hơn, lá dài hơn, rồi hòa cùng ít vỏ cây chuồn, thành một thứ rượu mà khi uống không bao giờ đau đầu.
Một năm được mùa; cái rẫy lên xanh tốt. Cây bắp trái to như đầu gối. Cây lúa hạt oằn cả thân. Thấm thoắt, hạt lúa ngả sang màu vàng chóe, trái bắp sắp khô vỏ thì có lũ khỉ lén lút vào tuốt lúa, bẻ bắp để ăn. Cụ già giữ rẫy tiếc của, tiếc công sức mình, giận lũ khỉ, kiên trì rình rập ngày đêm. Ở cạnh rẫy, có cây tà vạt. Trước khi vào bẻ bắp, tuốt lúa, lũ khỉ thường đu mình qua buồng tà vạt để vào rẫy. Tức mình, cụ già liền chặt phứt đi nhằm làm cho chúng không thể qua lối này nữa. Khi vừa chặt xong, có những giọt nước từ trong ấy chảy ra. Tò mò, cụ dùng tay hứng rồi nhấm thử. Chất nước ngòn ngọt, mát lạnh khiến cụ cảm thấy khỏe khoắn lạ lùng. Thế là, cụ tìm đốt lồ ô ra hứng cho kỳ hết. Những ngày sau đó, cụ lặn lội tận rừng sâu tìm các loại vỏ cây hòa vào thứ nước ấy. Cuối cùng, lúc thử vỏ cây chuồn, nước sủi bọt, lên men, có mùi vị không khác gì một loại rượu nhẹ. Và, nhờ sự khám phá tình cờ của cụ, rượu tà vạt dần dần được dân bản ưa chuộng và nhanh chóng trở thành thứ nước giải khát phổ biến giữa chốn núi rừng heo hút trong những ngày hè oi bức, nếu khách du lịch thích thổ cẩm thì chỉ cần quá bộ lên làng dệt zơ ra để thấy những người phụ nữ cơ tu đang dệt những chiếc túi, những bao gối, khăn thổ cẩm... trên đường đến làng du lịch Tà Bhing du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác trên những chiếc cầu treo đung đưa, hòa mình vào tiếng rì rào của thác nước, rì rào của gió đưa là rừng đạt ngàn trường sơn hùng vĩ.
Lên non tắm thác, về làng xem... tay”, đó hẳn là sự trải nghiệm thú vị của những ai đã từng rong ruổi trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại, qua bến Giằng và ngược lên thác Grăng, huyện Nam Giang hay tiếp tục lang thang qua các địa danh như làng Rô, đèo Lò Xo cho đến Khâm Đức (Phước Sơn). Mỗi địa danh đi qua ngoài sự trải nghiệm thú vị khi được chiêm ngưỡng phong cảnh núi non hùng vĩ, nhiều tầng thác đẹp như huyền thoại du khách còn được say sưa ngắm nghía bàn tay thoăn thoắt của những phụ nữ Cơtu bên khung dệt, bên những sợi đan lát trong các làng nghề truyền thống.
Và nếu chỉ muốn khám phá một địa chỉ du lịch có tên Nam Giang, bạn chỉ mất khoảng 30 phút từ Đại Lộc trên quốc lộ 14B là dừng chân ở làng Rô, nơi che chở nuôi nấng cố nhà thơ Tố Hữu cùng nhiều chí sĩ cách mạng trong những lần băng rừng vượt ngục. Rồi dừng chân ở bến Giằng để lắng nghe khúc giao thủy của dòng sông Bung từng một thời là địa điểm gắn với các chiến công oai hùng. Là mạch nguồn của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sông Thanh. Những điều thú vị bỗng chốc ùa đến với bạn khi được tận mắt chiêm nghiệm những điều đã từng biết, đọc qua ở đâu đó hoặc với cảnh núi non hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn bắt đầu từ ngã ba sông Bung.
Từ đây bạn có thể ngược trên quốc lộ 14D như dải lụa mềm vắt lưng chừng núi. Một ngã ba có biển hướng dẫn, rẽ qua rẫy lúa, nương bắp, lúc ngang dọc qua suối là con đường dẫn đến thác Grăng. Đây là đoạn đường để lại dấu ấn nhiều nhất nơi du khách trong hành trình chinh phục “tam thác Grăng” bởi phải qua nhiều đoạn dốc, đường hẹp, ghềnh đá hiểm trở. Nhưng, bạn sẽ không dễ bỏ cuộc khi trên đường vào Grăng đã được kiến tạo sẵn những bộ ván dã chiến bằng thân cây, nhiều chiếc võng rừng bằng rễ cây tự nhiên làm những trạm nghỉ chân tiếp sức cho du khách. Tất cả khó khăn sẽ tan biến khi bạn đang đứng trước thác Grăng tung bọt trắng xóa, bồng bềnh trong cõi âm u Trường Sơn. Đẹp nhất ở Grăng có lẽ là thác 3 với độ cao hơn 30 mét, tung bụi nước mịt mù, xõa trắng trên những vách đá bám rêu.
Nam Giang không những đẹp mà giá trị hơn nữa chính là việc bảo tồn văn hóa truyền thống cồng chiêng, Du khách hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt nhìn thấy những em bé mới chỉ học lớp 5 lớp 6 mà đánh chiêng điêu luyện. Đôi tay mềm mại gõ từng nhịp tấu lên bản nhạc chiêng đón khách khiến ai cũng phải mê mẩn
Trước kia, người dân ở đây chỉ biểu diễn cồng chiêng những khi có sự kiện đặc biệt nào đó nhưng hiện nay, ngoài những lễ hội đặc biệt của họ, biểu diễn cồng chiêng cho du khách xem là dịp để giao lưu, trao dồi, cố kết cộng đồng ngày thêm bền chặt, trao truyền cho thế hệ kế tiếp, chứ không hề thương mại hóa, làm qua loa chiếu lệ”. Những nghệ nhân của làng chào đón du khách qua bài đầu tiên với âm thanh thật trong trẻo, rộn rã như tiếng suối chảy, tiếng chim hót trong rừng thẳm.Thỉnh thoảng họ lại đồng loạt cất tiếng hú bi hùng, họ đang gọi mời Thần linh về tham dự lễ hội cùng với họ. Sau một lúc ngỡ ngàng lặng đi vì xúc động, nếu thích thú du khách có thể cùng hòa vào vòng xoay theo nhịp cồng, tiếng chiêng, những tiếng cồng chiêng trầm hùng, tiếng đinh tút réo rắt ngân nga đem lại cho người xem nhiều cảm xúc khó tả. Mỗi giai điệu như đưa người xem quay về với những câu chuyện tình yêu lứa đôi, các hoạt động sinh hoạt, sản xuất, săn bắn, chống kẻ thù, thú dữ; những lễ hội mừng lúa mới, mừng làng mới của đồng bào dân tộc sống trên dãy trường sơn hùng vĩ từ bao đời. cùng với sưu tầm truyện cổ, văn hóa ẩm thực cồng chiêng cũng là nét văn hóa truyền thống mà huyện đang gìn giữ và phát triển.
Đến Nam Giang không những được ngắm cảnh thiên nhiên kỳ diệu, ngoạn mục của miền tây đất Quảng, được tận mắt nhìn thấy cột mốc biên giới của Tổ quốc với nhiều cảm xúc dạt dào…, mà còn được thưởng thức hương vị tuyệt vời của rượu tà vạt giữa khung cảnh núi rừng, trên độ cao gần nghìn mét của đại ngàn Trường Sơn.
Nam Giang không chỉ hùng vĩ mà còn mang vẻ đẹp vừa hoang sơ, vừa lạ lùng, có sức cuốn hút lạ kỳ. Nếu được đầu tư đúng mức, quảng bá bài bản, có chiều sâu, Nam Giang sẽ là địa điểm du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm rất hấp dẫn với du khách gần xa…
Tác giả bài viết: Văn Thủy
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
DÂN SỐ CHIA THEO ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH VÀ GIỚI TÍNH ( Đến 31/12/2012) Số TT Đơn vị Tổng số Chia...