Đồng bào Ve hiện nay có các họ lớn như họ Hiên, họ Jơ Râm, họ Brôi, họ Tờ Ngôn… Mỗi họ đều có một truyền thuyết khác nhau. Họ Jơ Râm có nguồn gốc từ sự tích đã tìm ra chiếc cầu ngầm để qua được dòng sông Đắc Pring hung dữ. Còn họ Tờ Ngôn bắt nguồn từ chuyện con cáo. Đó là những cách lý giải về nguồn gốc của tộc họ rất cổ xưa giống nhiều dân tộc khác ở Trường Sơn.
Nếu có dịp đến với đồng bào người Ve ở các xã biên giới Đắc P’ree, Đắc Pring huyện Nam Giang vào những ngày này, bên trong ngôi nhà Âng (nhà văn hóa cộng đồng), du khách sẽ được chiêu đãi những món ngon ẩm thực truyền thống, trong đó món láp là đặc sản ẩm thực không thể thiếu. Một trong những món ăn truyền thống được xem là đặc sắc nhất của Người Ve ở Nam giang là món Láp truyền thống . Món Láp thường được chế biến từ các loại thịt tươi. Công đoạn chuẩn bị cũng rất cầu kỳ. Sau khi thịt được băm nhỏ, trộn gia vị như bột bắp, tiêu rừng vào thịt. Sẽ không thể ăn được nếu thiếu các loại rau thơm, trong đó quan trọng nhất phải kể đến đó là lá chua. Lá chua được bóp vào thịt, sau vài phút sẽ làm chín thịt. Món ăn này phản ánh sinh động văn hóa ẩm thực của đồng bào vùng cao. Hầu như trong những ngày lễ hay nhà có khách, Láp là món ăn không thể thiếu. Dường như ẩm thực của người Ve cũng đơn giản, phần lớn đều dựa vào rừng. Ngoài nguồn thực phẩm được lấy từ rừng, các con suối quanh làng cũng mang lại nguồn thực phẩm đáng kể.
Một nguyên tắc rất quan trọng đối với người chế biến món láp là phải biết lựa chọn lượng gia vị vừa chuẩn, tức là hợp với khẩu vị và khẩu phần cho phép. Tuy nhiên, món láp ngon hay dở còn phụ thuộc tay nghề của người làm, chế biến. Theo một số già làng người Ve, láp có thể làm từ bất kỳ thịt của loài động vật nào, ngoại trừ thịt chó. Có nhiều cách lý giải, song vấn đề đầu tiên vẫn là thịt chó có mùi hôi rất khó dùng khi làm láp.Ngày xưa, người Ve thường dùng lá zó ch’póch rừng để làm món láp. Nhưng bây giờ lá đó không còn, rất khó tìm nên người ta lấy lá zó p’zưm hoặc nếu bí quá thì dùng chanh để chế biến.
“Món láp rất hợp với rượu tàvạt hoặc t’đin. Uống rượu tàvạt mà có mồi láp dùng để nhậu thì thật tuyệt. Có lẽ không có món nhậu nào của người Ve tuyệt vời hơn thế”
Vào thời điểm tháng cuối xuân, cây tàvạt bắt đầu trổ buồng, ra quả. Thời gian này nếu có dịp lên với đồng bào người Ve ở các xã Đắc P’ree, Đắc Pring, chắc chắn du khách sẽ tha hồ tận hưởng những giây phút ngọt ngào bên ché rượu tàvạt nồng nàn men say. Trong đêm lửa bập bùng cùng với ngàn “ánh sao đêm” của núi rừng, nhịp cồng chiêng ngân rộn ràng, điệu ting tít, rê rê được các chàng trai, cô gái Ve múa nhịp nhàng quyến rũ làm say đắm lòng người.
Người Ve thường lấy rượu để nhậu với món láp trong các dịp tổ chức hội làng, cưới hỏi, đón khách quý…
“Trong các đám cưới, người Ve chú trọng làm món láp nhiều hơn bởi đó là món ngon truyền thống. Trong một tiệc cưới nếu không có món láp thì coi như đám cưới đó chưa thực hiện đủ các phần nghi thức, nghi lễ quan trọng”.Đây cũng là truyền thống lâu đời của cha ông mà ngày nay thế hệ con cháu và các thế hệ người Ve ở Nam giang đang bảo tồn và giữ gìn và phát huy,nhằm tôn vinh và bảo tồn những nét đẹp truyền thống của đồng bào người Ve ở huyện Nam Giang.
Tác giả bài viết: Văn Thủy
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Giới thiệu về tiềm năng phát triển du lịch huyện Nam Giang Huyện Nam Giang là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Cách thành phố Đà Nẵng gần 70 km về phía Tây Nam, cách tỉnh lỵ Tam kỳ 120 km về phía Tây Bắc, cách cửa khẩu Đắc Ốc...