Lửa nghề
Gặp già Tơ Ngôl Oi, ông vui vẻ đưa chúng tôi xuống chái bếp của gia đình, vẫn còn giữ nhiều vật dụng đan lát truyền thống của người Cơtu giống như bảo tàng về gùi, rồi ông chỉ tay để khoe các loại gùi, tàlét, rê, chuy, cà vông, h’đool…được treo la liệt trên giàn bếp đã lên màu cánh gián. Già Oi kể cho chúng tôi nghe về cái duyên với nghề đan và khoảng thời gian gắn bó cùng nó. Ông đến với nghề đan khi là một chàng thanh niên ở tuổi 20, chỉ là tự mày mò, học hỏi một cách bản năng để làm những vật dụng sinh hoạt cho gia đình. Ban đầu, các loại gùi già làm ra có hình thù không như ý muốn. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì chịu khó, khoảng vài năm sau, già thành thạo nghề đan rồi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi cái gùi mà già Oi đan tuỳ theo mục đích sử dụng trong các hoạt động mà đan cho phù hợp. Gùi(dông) là một loại gùi tương đối lớn. Thông thường, phụ nữ là người mang những gùi này. Muốn có adong kiêr(gùi củi, sắn, khoai) thì thân gùi được đan thưa và lớn; còn nếu đan h’đool(gùi gạo, lúa, muối), thì thân gùi phải đan cho khít kín. Với cái tàlét, là loại gùi dành cho đàn ông Cơtu cũng tương tự như cái gùi dông, nhưng phần thân ngắn và nhỏ hơn, được thiết kế thêm hai ngăn nhỏ ở thân gùi, hai ngăn này được dùng để mang các vật dụng nhỏ như cơm, gạo, dụng cụ lấy lửa... để đi rừng làm rẫy. Đây là loại gùi được đan rất công phu và mất nhiều thời gian. Còn gùi p’reng, là một loại gùi nhỏ được đan rất công phu, tỉ mỉ, có cái được đan và trang trí những hoa văn rất độc đáo dùng trẻ em Cơtu đựng vận dụng cần thiết theo mẹ mỗi khi đi chơi lễ hội. Ngoài ra, còn có p’rôm(gùi dành riêng cho phụ nữ chuyên mang quà như rượu, thuốc, trà, thịt khô, mật ong đi biếu anh em, cha mẹ, sui gia) hay các cô sơn nữ Cơtu mang trong múa điệu tung tung dá dá trong lễ đâm trâu, lễ ăn cơm mới của cộng đồng.
Theo đó, hằng ngày già Oi vẫn đều đặn đan những chiếc gùi để phục vụ cho bà con Cơtu trong thôn và các thôn lân cận mua để dùng. Để tạo ra một chiếc gùi phải mất đến tuần lễ. Chỉ riêng khâu chuẩn bị vào rừng tìm nguyên liệu, chẻ vót thành nan, phơi mây đến để trên dàn bếp cho mây ngã màu đen tốn mất 4 ngày. Và cuối cùng là đan liên tục trong 6 đến 7 ngày để hoàn thành sản phẩm. Mỗi chiếc gùi tùy loại, có giá bán từ 500 – 700 ngàn. Riêng tàlét(gùi dành riêng cho đàn ông Cơtu), đan liên tục trong 8 đến 10 ngày mới hoàn thành. Tuỳ loại lớn nhỏ mà tàlét giá từ 1 triệu 200 ngàn đến 1 triệu 500 ngàn đồng, nhưng đôi lúc không có để bán. Tiền bán từ những chiếc gùi, cũng giúp cho già có thêm khoản thu nhập trang trải cuộc sống.
Khát vọng truyền nghề
Nhìn những ngón tay đầy vết sẹo, vết chai sần nổi lên thành cục ở mép ngón tay đủ để biết rằng già Tơ Ngôl Oi gắn bó với nghề như thế nào. Theo già Oi, nghề đan gùi của người Cơtu nếu làm không thạo thì vất vả lắm. Để tạo ra một sản phẩm đan lát từ mây tre rừng, phải trải qua khá nhiều công đoạn mà nếu không có sự đam mê sẽ dễ bỏ cuộc. Một năm, già đan được từ 20 đến 30 sản phẩm các loại. Hiện già đã lớn tuổi và mắt cũng đã mờ, tay chân đã yếu, không còn vào rừng bứt mây được nữa. Già Oi bảo, ngày trước tìm mây dễ hơn nhiều. Bây giờ, mỗi ngày già chỉ chặt khoảng 10 cây mây trở lại rồi về để dành đan dần, khi nào hết mới vào rừng chặt tiếp. Tuy nhiên, nhiều người đặt hàng trước từ 3 đến 4 tháng thì già mới làm, chủ yếu là bà con trong làng trong xã. Già Oi bảo, đan gùi là thú vui của ông, nhưng nó không phải vì lợi nhuận mà vì sợ nghề đan lát truyền thống của người Cơtu đang đứng trước nguy cơ mai một, già Oi vẫn đau đáu trong lòng khát vọng truyền nghề cho lớp trẻ Cơtu quê già bây giờ không học đan gùi, đan lát nữa đâu.
Ông Pơ Loong Mưa(72 tuổi), dân tộc Cơtu, người cùng thôn với già Oi chia sẻ: Các loại gùi mà già Oi làm rất tỉ mỉ và sáng tạo nhưng không hề mất đi cái hồn của dân tộc. Vừa làm nhà xong, tôi đã đặt hàng mua vài sản phẩm về để cùng gia đình giữ cái hồn dân tộc trong chính ngôi nhà của mình.
Chia tay anh Tơ Ngôl Đa, thôn Công Dồn, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Zuôich, cháu gọi ông Tơ Ngôl Oi là bác cho biết: Tại thôn Công Dồn, những người còn sống đam mê với nghề đan gùi như già Tơ Ngôl Oi không nhiều. Nhờ nắm giữ các kỹ năng về đan lát và đan bền đẹp, nên nhiều người đã tìm đến nhà mua sản phẩm của già Oi. Những sản phẩm được già Oi làm ra được mọi người đón nhận không đơn thuần là vật dụng mà còn là tâm huyết của một con người yêu nghề. Chính nhờ những người như già Oi mà nghề đan lát truyền thống ở thôn Công Dồn như được hồi sinh. Và già Tơ Ngôl Oi, luôn được đồng bào Cơtu nơi đây xem như một nghệ nhân giữ lửa nghề đan lát truyền thống của người Cơtu ở thung lũng Công Dồn, dưới ngọn núi Coong Chang này./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Sơn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
DÂN SỐ CHIA THEO ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH VÀ GIỚI TÍNH ( Đến 31/12/2012) Số TT Đơn vị Tổng số Chia...