Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Triêng huyện Nam Giang

Thứ năm - 24/05/2018 05:13
Trên địa bàn huyện Nam Giang (Quảng Nam), người Triêng sống tập trung ở các xã vùng cao như: La Dêê, Đắc Tôi, La Êê, Đắc Pring, Đắc Pre và một phần của xã Tà Bhing. Đến nay, người ta biết đến ở người Triêng có nền văn hóa đặc sắc, là bộ phận không nhỏ góp phần hình thành nên bức tranh tổng thể của văn hóa các dân tộc thiểu số trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.

Nằm về phía Nam của dãy Trường Sơn hùng vĩ, giáp với nước bạn Lào. Địa hình đã phân chia vùng cư trú của người Triêng(một nóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ-Triêng) tạo thành một hành lang nối liền với các bản làng của các anh em như: Cơtu và Ve trong vùng. Sống trong môi trường núi cao, đời sống kinh tế của bà con dựa vào nương rẫy và chăn nuôi gia súc và gia cầm. Do độ dốc lớn nên hầu hết các loại cây trồng như lúa, bắp, đậu các loại hằng năm cho năng suất rất thấp. Ngoài kinh tế nương rẫy, người Triêng ở huyện Nam Giang đã biết trồng cây bông để dệt vải. Từ nghề dệt mang tính gia đình, dần dần nghề dệt đã phát triển thành nghề dệt thủ công từ văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu mặc và sinh hoạt của cộng đồng người Triêng nơi đây. 





Phụ nữ Triêng, xã La Dêê, huyện Nam Giang(Quảng Nam), cần mẫn bên khung dệt.

Từ xa xưa, người Triêng huyện vùng cao Nam Giang (Quảng Nam) đã biết đưa cây bông vào trồng trên đất rẫy để lấy nguyên liệu dệt thay thế cho sợi vỏ cây rừng. Theo tập quán canh tác, hàng năm cứ vào đầu mùa mưa khoảng đầu tháng 9 đất đai có độ ẩm cao, người Triêng nơi đây bắt đầu phát rẫy gieo hạt bông. Theo kinh nghiệm, đất trồng bông thường được chọn ở những đám đất rẫy cũ, có nhiều sỏi nhỏ, cây bông sẽ sinh trưởng và phát triển tốt, bông mới nở đều và không bị sâu bệnh. Trước đây, mỗi gia đình có thể trồng khoảng từ 1 đến 2 rẫy bông thì đủ dệt cho cả năm. Từ khi gieo hạt cho đến khi thu hoạch khoảng tháng 1 năm sau.

Bông thu hoạch về, đem phơi nắng cho khô, trắng, không bị đen mốc. Nếu gặp phải mưa thì cần phải để bông thô gần bếp lửa cho hạt giòn dễ vỡ. Bông đã khô, những người phụ nữ Triêng tiến hành loại những hạt bông lép, bông sâu, rồi đưa vào dụng cụ cán bông cán cho vỡ hạt.

Khi bông đã được cán lọc hết hạt, họ dùng dụng cụ bật bông đánh cho tơi, khi bông đã tan đều, lọc bông tan ra, những bông còn vón cục tiếp tục đánh. Chỉ bông được đưa vào se kéo sợi. Lúc này, sợi bông dùng cho dệt vải bước đầu được hoàn thành. Sợi từ thoi cuộn được đưa ra cuốn vào một dụng cụ cuốn sợi để tạo thành những cuộn sợi có chiều dài để chuẩn bị nhuộm.

Để có những màu sắc ưng cái bụng, người Triêng phải tìm hiểu, nghiên cứu từ nhiều loại vỏ cây, ốc... nhuộm màu là cả một quá trình đúc kết kinh nghiệm từ đời này sang đời khác, thậm chí đã trở thành bí quyết. Để có được màu chàm đen, người Triêng chặt thêm cây nao jun gồm cả thân, vỏ, rễ cây, đem ngâm với tro bếp trong nồi đất khoảng 3 - 4 ngày, lấy nước đó trộn chung với nước của lá chàm đổ vôi bột giã nát rồi ngâm trong nước. Lấy vỏ ốc (pa-chau) đốt cháy thành than rồi giã nhỏ bỏ lẫn vào tạo thành màu chàm.  

Cho sợi bông phơi vào ngâm khoảng nữa ngày, rồi vớt lên vắt hết nước đưa lên giàn phơi, cứ như vậy nhúng nhiều lần trong ngày khi nào sợi dệt có màu đen họ lại bỏ tiếp vào nồi đất và dùng củ nâu, thái nhỏ trộn chung với gạo nếp than, rồi luộc sợi khoảng một ngay đêm vớt sợi ra phơi. Sau đó, đưa sợi trộn với bột gạo nếp than hấp cho sợi cứng, không bị xù lông rồi vớt ra phơi khô. Khi sợi đã khô đưa vào dụng cụ cuốn sợi cuốn lại cho thành cuộn, khi muốn dệt thì người phụ nữ dàn sợi ra khung và dệt.




Bà Cha Rum Nhiếc, thôn Đắc Rế, xã La Dêê, huyện Nam Giang bên chiếc khung kéo sợi có từ thời nội bà để lại, như minh chứng về nghề dệt truyền thống của người Triêng xa xưa.

Muốn tạo màu đỏ, người Triêng dùng củ nâu và từ vỏ của cây tà-vạt (móc sang) giã nhỏ ngâm trong nước dùng làm thuốc nhuộm. Và để có màu vàng, họ lấy củ nghệ giã nát rồi ngâm trong nước, từ thân cây chơ hong thái nhỏ, sau đó bỏ sợi vào nấu keo lại rồi với ra phơi khô. Trang trí hoa văn trên trang phục của người Triêng chủ yếu dùng các màu đỏ, màu trắng, màu vàng, màu chàm. Còn với màu trắng, có khi bà con để luôn cả sợi bông trắng chưa nhuộm để tạo ra màu trắng.

Khi bông thô được loại bỏ hạt, sử dụng bật bông đánh cho tan bông, sau đó cuốn vào một que cuốn nhỏ như chiếc đũa để tạo chỉ bông. Mắc chỉ bông vào que cuốn sợi trên sa kéo sợi rồi dùng tay quay bánh xe. Bánh xe quay đến đâu truyền chuyển động tròn vào que cuốn, chỉ bông được kéo ra và xe thành sợi. Cứ như vậy, kéo hết chỉ bông này tới chỉ bông khác.

Khung dệt, luôn đồng hành và đóng vai trò trong các khâu nghề dệt của phụ nữ Triêng. Tuy nhiên, muốn có khung dệt, người đàn ông trong gia đình Triêng phải tự làm khung dệt. Sau khi lập gia đình, người đàn ông phải làm các dụng cụ dệt và khung cho người vợ dệt vải, nếu người nào không làm được dụng cụ, hoặc người phụ nữ nào không biết kéo sợi dệt vải thì sẽ bị dân làng chê cười đó là những người vụng về không biết làm ăn. Khung dệt gồm nhiều bộ phận nhỏ cấu thành:

-Miếng đệm lưng: Được làm bằng gỗ có hình vòng cung dài 22 cm, rộng 12 cm, 4 góc có lỗ để luồn dây. Miếng đệm lưng giúp giữ cho khung dệt gắn kết với người dệt tạo độ căng cho tấm vải khi dệt.

-Thanh cuốn vải: Có hình trụ dài 1,1m, chu vi 12cm được chia làm 2 nửa, có 4 mấu nhỏ ở 2 đầu để cuộn dây của miếng đệm lưng.

-Thanh dập sợi: là một thanh gỗ bè có sống dày 3 cm, lưỡi mỏng, thanh này được làm bằng gỗ trắc (Loong K’trắc) có chiều dài 105cm, rộng 6cm, gỗ trắc có đặc tính khi dệt nhiều có độ bóng, nhẵn dùng để làm thanh dập sợi.

-Thoi đưa sợi: được làm bằng một loại nứa nhỏ có chiều dài 77cm – Nứa có đặc tính nhẹ dễ luồn qua luồn lại giữa những lớp khi dệt. Thoi đưa sợi dùng để bỏ thoi sợi vào trong ống luồn sợi qua lại khi dệt.

-Thanh tách các lớp sợi trên dưới: có hình tròn nhỏ có chiều dài 113cm, được làm từ gỗ P’long.

-Ống tách các lớp sợi trên và dưới: là một ống tròn, dài 100cm đến 110cm được làm từ loại nứa nhỏ.

-Thanh kẹp sợi: Là một thanh gỗ có chiều dài 93cm, được làm từ gỗ long p’long, loại gỗ này sử dụng nhiều có độ trơn bóng.

-Thanh dàn các lớp sợi: Thanh này nhỏ và tròn được làm bằng gỗ Ploong có chiều dài khoảng 100cm có chức năng lồng các vòng chỉ định vị cho các đường sợi sát nhau, được làm bằng gỗ trắc hoặc các loại gỗ cứng khác. Thanh này nằm ở cuối khung cửi dùng để tì chân tạo độ căng cho khung khi dệt.

-Lông nhím: Dài khoảng 20cm, dùng để tách sợi khi tạo hoa văn và vuốt sợi khi bị xù lông, tách các mối dày, dồn các mối thưa trên vải.

-Sáp ong: Dùng để bôi vào thanh đập sợi, thanh dàn sợi (Băn) và ống tách các lớp để tạo độ bôi trơn cho dụng cụ.

-Dụng cụ cuốn sợi: Được làm bằng gỗ và tre, dùng để cuốn sợi từ cuộn sợi sang, để chuẩn bị đưa vào dụng cụ dàn sợi.

-Dụng cụ dàn sợi: Dùng để dàn sợi trước khi đưa vào khung dệt 

Khi đã chuẩn bị đầy đủ sợi, người phụ nữ Triêng dàn sợi lên dụng cụ dàn sợi, đây là công việc khá phức tạp đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo trên đôi bàn tay người thợ. Tùy từng loại trang phục như: váy, tấm dồ, khố, tấm choàng mà người thợ dệt có cách tạo bằng hoa văn và dàn sợi khác nhau. Trên dụng cụ dàn sợi, sợi màu đen luôn chiếm ưu thế trong toàn bộ khung cửi và làm nền cho các băng chỉ màu. Khi đã dàn sợi cho một trang phục cần dệt. Trên dụng cụ dàn sợi, họ tháo dụng cụ dàn sợi ra, lấy sợi đã được dàn hoàn chỉnh đưa vào khung để chuẩn bị dệt.

Các thao tác dệt chủ yếu là dùng tay, khi dệt luồn thoi chỉ, dập sợi, nâng lên hạ xuống thay đổi vị trí của các lớp chỉ, tách các đường chỉ màu bằng lông nhím để tạo hoa văn. Trong quá trình dệt, sáp ong luôn được bôi vào các bộ phận của khung dệt để tạo độ trơn, đầu nhọn của lông nhím dùng để dàn các chỗ dệt dày quá hoặc thưa quá cho vải được đều.

Hoa văn trên trang phục của người Triêng chủ yếu là các băng sợi màu đỏ, vàng trắng được dàn dọc theo khung dệt, đan xen giữa các lớp sợi màu đen. Khi dệt chỉ có một ống đựng thoi chỉ màu đen được luồn qua luồn lại để làm sợi dệt cho toàn bộ tấm vải. Các băng chỉ màu trên khung dệt, thường được sắp xếp thành một nhóm riêng biệt khác nhau: Băng chỉ màu đỏ, màu trắng, màu vàng, màu đen. Kích thước của các băng có bề ngang từ 2 đến 4 cm. Khi tạo các hoa văn trên các băng chỉ màu này người thợ dệt dùng một đầu nhọn của chiếc lông nhím tách sợi để luồn thoi chỉ đen qua, dùng thanh dập sợi dập cho chặt các lớp sợi. Người phụ nữ khi ngồi dệt, thường trang trí các hoa văn không theo một khuôn mẫu có sẵn, mà tạo các hoa văn theo một kỹ năng đã và theo sự sáng tạo riêng của mỗi người. Kỹ thuật tạo tác hoa văn cho trang phục là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thợ, ngoài kinh nghiệm dệt còn phải có sự tỉ mỉ và đôi bàn tay khéo léo.

Thời gian dệt một sản phẩm tùy thuộc vào sức khỏe của từng người, phụ thuộc vào sự nhàn rỗi theo mùa vụ, họ có thể dệt tranh thủ vào buổi tối hoặc dệt liên tục vào mùa mưa. Người phụ nữ Triêng, thường tiến hành công việc dệt của mình vào tháng 10, 11. Đây là thời điểm của mùa mưa, còn những tháng trong năm thì họ chỉ dệt tranh thủ. Thời gian dệt các sản phẩm: Một chiếc váy, mất thời gian khoảng 4 ngày, một tấm choàng mất khoảng từ 5 đến 7 ngày, khố 8 ngày.

Các sản phẩm của họ gồm váy, khố, tấm choàng... được dệt hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, các họa tiết hoa văn trang trí phần lớn đơn giản trên nền chàm đen. Thường chỉ có đường sọc màu đơn hoặc xen kẽ trên màu chàm với các màu tiêu biểu như màu vàng, màu đỏ hoặc màu trắng, nhưng thể hiện tính thẩm mỹ và tài năng sáng tạo của phụ nữ Triêng rất cao. Những chiếc váy, tấm khoác, khố... được mặc vào những dịp lễ hội truyền thống của buôn làng hoặc trang phục của các gia đình khá giả thường có các đường sọc màu nhiều hơn, sử dụng màu đỏ nhiều hơn. Người Triêng rất thích trang phục kiểu ghép hai mảnh vải lại với nhau tạo nên sự đối xứng. Hoa văn trang trí thường được sử dụng ở hai rìa của tấm vải. Và để có được những sản phẩm trên, người phụ nữ Triêng phải mất nhiều thời gian cả tháng ròng mới hoàn thành. 

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Triêng có tiềm năng rất lớn, không những giúp cộng đồng người Triêng mặc đẹp, tạo nên nét đẹp văn hóa trong phong tục, tập quán từ xưa đến nay ở vùng biên giới Việt - Lào. Tuy nhiên, dù có góp phần đáng kể để bảo tồn nghề dệt truyền thống lâu nay bị mai một cũng như sự giao lưu văn hóa với các dân tộc trong vùng, song do ít được giao lưu với bên ngoài nên các sản phẩm của người Triêng chỉ nhằm phục vụ cho nhu cầu tại chỗ, của mỗi gia đình. Hiện nay, đa số người Triêng huyện Nam Giang không còn trồng cây bông nữa, mà đã dùng sợi len và chỉ, sản phẩm công nghiệp mua từ ngoài chợ về để thay thế. Vì vậy, nghề dệt truyền thống của họ chưa tạo ra sự thu nhập về kinh tế cho người dân. Nên chăng, nhà nước cần có hướng đầu tư thích hợp để nghề dệt vải truyền thống của người Triêng nơi đây ngày một phát triển...

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
NONG THON MOI 
lk1 
LUAT 
THUE 
CSDL luat 
BUU DIEN 
Untitled
 
Untitled
 
công thuong
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây